Sunday, September 13, 2009

Tử tù sẽ được ghi âm lời nói gửi thân nhân

Một trong những điểm mới của Dự luật thi hành án cho phép thân nhân tử tù được nhận thi hài, hài cốt, tro cốt về táng. Gia đình phạm nhân chưa thành niên được khuyến khích gửi sách vở, đồ dùng học tập, dụng cụ thể dục thể thao… cho con em mình.

Theo dự luật, trại giam có trách nhiệm giáo dục cải tạo phạm nhân chưa thành niên về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với lứa tuổi, trình độ văn hóa, giới tính, sức khỏe, chuẩn bị điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau khi thụ án xong. Trong đó, chuyện dạy nghề, phổ cập văn hóa tiểu học, trung học cơ sở cho họ là bắt buộc chứ không phải có cũng được, không cũng xong.

Điều đáng ghi nhận là chuyện thời gian học văn hóa, pháp luật, giáo dục công dân, học nghề của phạm nhân chưa thành niên được tính vào thời gian lao động. Nếu học nghề, học văn hóa tốt cũng như lao động tốt, các phạm nhân này sẽ có nhiều cơ hội được khen thưởng, giảm án... Cạnh đó, phạm nhân chưa thành niên được lao động ở khu riêng, không phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

Một điểm mở khác rất nhân văn là phạm nhân chưa thành niên được gặp thân nhân ba lần trong một tháng (người đã thành niên chỉ được gặp hai lần), được liên lạc thường xuyên với thân nhân qua thư từ, điện thoại.

Gia đình phạm nhân được khuyến khích gửi sách vở, đồ dùng học tập, dụng cụ thể dục thể thao, vui chơi giải trí và quan tâm thăm hỏi phạm nhân là con em mình.
Theo dự luật, phạm nhân nữ và trẻ em sẽ được quan tâm ưu đãi hơn. Trong ảnh: Dẫn giải một phạm nhân nữ về trại giam. Ảnh: Pháp luật TP HCM.


Dự luật quy định phạm nhân nữ được giam riêng, được ưu tiên bố trí làm việc phù hợp với giới tính, sức khỏe, độ tuổi. Không sử dụng phạm nhân nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại thuộc danh mục cấm sử dụng lao động nữ. Phạm nhân nữ được cấp đồ dùng cần thiết cho vệ sinh phụ nữ. Nếu sinh con trong thời gian chấp hành án thì được cấp phát thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh.

Cũng theo dự luật, phạm nhân nữ có con trên 36 tháng tuổi phải gửi về cho thân nhân nuôi dưỡng. Nếu họ không có thân nhân, trại giam sẽ gửi con họ vào trung tâm bảo trợ xã hội nơi trại giam đóng. Trường hợp có nhiều con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi theo cha (mẹ) vào trại giam thì trại giam phải bố trí nhà giữ trẻ ngoài khu giam giữ trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Với phạm nhân nữ có thai, dự luật quy định họ được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, chăm sóc y tế khi cần thiết. Họ được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe cho thai nhi, được nghỉ trước, trong và sau khi sinh theo quy định chung. Thời gian nghỉ sinh, họ được hưởng các chế độ theo quy định và theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Trại giam phải thông báo việc phạm nhân sinh con cho UBND cấp xã nơi trại giam đóng để đăng ký khai sinh cho bé.

Về tử tù, dự luật cũng có những quy định mới. Ngoài việc được tự mình đọc quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của viện trưởng VKSND tối cao và chánh án TAND tối cao hoặc quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước..., tử tù còn được ăn uống, viết thư cho người thân. Thậm chí dự luật còn cho phép tử tù ghi âm lại lời nói của mình để gửi cho thân nhân.

Dự luật cũng quy định rõ Hội đồng thi hành án tử hình phải có trách nhiệm tổ chức an táng người đã bị thi hành án tử hình. UBND cấp xã nơi thi hành án có trách nhiệm tạo điều kiện để tổ chức an táng người đã bị thi hành án tử hình, quản lý phần mộ của người bị thi hành án tử hình. Trong thời hạn ba ngày sau khi bản án đã được thi hành, trại giam thông báo cho thân nhân của người bị thi hành án tử hình biết, giao cho họ tiền, tài sản, đồ vật khác có liên quan.

(Theo Pháp Luật TP HCM)

Share/Save/Bookmark

No comments: