Thursday, August 27, 2009

Những chuyên gia "hình chữ T" trong CNTT

Hình T trong trường hợp này thể hiện một người có kiến thức sâu về một lĩnh vực cụ thể như khoa học máy tính, kỹ thuật… đồng thời hiểu biết rộng trong nhiều lĩnh vực khác.
> Khai mạc WITFOR 2009.


Trong vài năm nữa, con người sẽ chứng kiến sự tăng trưởng của các hệ thống và ngành mới, giúp tối ưu hóa lưu lượng giao thông tại thành phố lớn, cung cấp năng lượng mặt trời và gió, giám sát và cải thiện chất lượng y tế… Tuy nhiên, viễn cảnh hấp dẫn này đòi hỏi sinh viên hiện nay phải hình thành được các kỹ năng đặc biệt và chưa từng có.

CNTT đang và sẽ là một ngành quan trọng, nhưng không thể chỉ đơn thuần học IT. Nhân viên được đánh giá cao nhất thường không phải lập trình viên, người viết mã, vận hành hệ thống mà là nhà quản lý dự án, kiến trúc doanh nghiệp, phân tích hệ thống và các kỹ sư về quy trình nghiệp vụ, tức những công việc giúp thế giới làm việc thông minh hơn.

Ngoài IT, kỹ sư CNTT tương lai cần học thêm kinh doanh và một số ngành khác cũng như tìm hiểu văn hóa toàn cầu. Trao đổi bên lề WITFOR 2009, ông Võ Tấn Long, Tổng giám đốc IBM Việt Nam, cho biết khi triển khai các dự án tại VN, họ vấp phải một khó khăn là thiếu nguồn nhân lực. 2/3 sinh viên CNTT mới ra trường chưa sẵn sàng làm việc trong các công ty đa quốc gia vì nhiều lý do, như rào cản về ngôn ngữ, văn hóa. 1/3 còn lại vẫn cần được đào tạo kỹ năng thêm 6-18 tháng để bắt kịp tốc độ phát triển toàn cầu.

Cùng chia sẻ quan điểm này, tại hội thảo trước ngày khai mạc WITFOR về "Nhu cầu và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam" do Vinasa tổ chức, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Vietsoftware International, đã trích nghiên cứu của hãng Gartner về 10 quốc gia có năng lực cạnh tranh cao nhất ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam đứng cuối với chỉ số về ngôn ngữ, cơ sở hạ tầng, bảo mật, hệ thống giáo dục... đều ở mức nghèo nàn (Poor) và chỉ có giá cả được đánh giá cao nhất (Excellent).

Các yêu cầu mới về kỹ năng cùng thực tế ngày càng có nhiều vị trí công việc hướng dịch vụ hơn, nên việc triển khai các chương trình tổng hợp của nhiều lĩnh vực như SSME (Service-Science Management and Engineering - Quản lý và Kỹ thuật Khoa học Dịch vụ) đang được chú trọng. Trước đây, trường đại học đào tạo sinh viên thành những người hiểu "sâu" về một lĩnh vực như kỹ thuật máy tính, kinh doanh, kế toán... nhưng sinh viên tốt nghiệp lại chưa sẵn sàng để thành công trong một thị trường có tốc độ biến đổi nhanh chóng hiện nay. Khuynh hướng SSME hỗ trợ các khoa của một trường có thể hợp tác để cung cấp những khóa học kết hợp kinh doanh, công nghệ và xã hội. Đào tạo sâu rộng cũng sẽ giúp sinh viên có thêm kỹ năng dự báo xu thế, các khái niệm kinh doanh, học cách nghĩ và truyền thông hiệu quả...

Phát biểu trong chương trình đối thoại "Công nghệ thông tin - Đánh giá đa chiều" chiều 26/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ cần ba yếu tố: nắm chắc nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; phát triển nguồn nhân lực và đào tạo các nhà quản lý theo Kế hoạch tổng thể đến năm 2015; và tập trung vào các chương trình mục tiêu, mũi nhọn như chính phủ điện tử, sản phẩm chiến lược quốc gia, trung tâm công nghệ…

Đó là lý do vì sao chính phủ, các ngành và các tổ chức khoa học đang được yêu cầu hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng chương trình đào tạo mới nhằm giúp sinh viên chuẩn bị tốt hành trang cho nghề nghiệp tương lai, hình thành nên lớp chuyên gia "hình chữ T". Phó Thủ tướng cũng sẽ gặp gỡ Hiệu trưởng các trường vào tháng 9 để bàn về chương trình học mới.

Theo Mark Hanny, Phó chủ tịch IBM, thông minh hơn trong nghề nghiệp có nghĩa là hãy chuẩn bị và vượt ra ngoài phạm vi lớp học, không chỉ đạt được một kỹ năng sâu mà còn biết áp dụng khuynh hướng tổng hợp về kinh doanh cộng với lòng đam mê để thành công.

Share/Save/Bookmark

No comments: